Thông thường, trái phiếu có kỳ hạn từ 01 năm trở lên và chỉ được rút (thanh toán) khi đến thời hạn ghi trong trái phiếu, tuy nhiên, một số trường hợp nhà đầu tư trái phiếu được rút trước hạn.
MỤC LỤC
1. Khi nào được rút trái phiếu?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phát hành để xác nhận quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
Có thể hiểu, trái phiếu doanh nghiệp là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành (người vay tiền) phải trả một khoản tiền cho người sở hữu trái phiếu (người cho vay) trong một thời hạn nhất định. Theo đó, đương nhiên người sở hữu trái phiếu chỉ được thanh toán trái phiếu (gồm cả gốc và lãi) khi đến thời hạn ghi trong trái phiếu.
2. Có thể rút trái phiếu trước hạn không?
Người sở hữu trái phiếu có thể rút trái phiếu trước hạn khi có bên chấp nhận mua lại trái phiếu đó còn nếu không có bất kỳ bên nào mua lại thì chắc chắn không rút được trước hạn. Đặc biệt, một số loại trái phiếu được quy định rõ là không được rút trước hạn thì đối với trái phiếu này sẽ không thể nào rút trước hạn.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, người sở hữu trái phiếu có quyền yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn trong các trường hợp sau:
- Thỏa thuận được với doanh nghiệp phát hành.
- Bắt buộc doanh nghiệp phát hành mua lại khi:
- Doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó không thể khắc phục/biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
- Doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục/biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
- Các trường hợp khác được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu (nếu có).
Lưu ý:
Các trường hợp bắt buộc mua lại trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư không áp dụng đối với trường hợp trái phiếu bị thu hồi theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, có thể hiểu, nếu có bên chấp nhận mua lại trái phiếu (cá nhân, tổ chức khác hoặc chính doanh nghiệp phát hành) thì người sở hữu trái phiếu được rút trước hạn.

3. Rút trái phiếu trước hạn “thiệt thòi” như thế nào?
Việc rút trái phiếu trước hạn sẽ tác động tới cả nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp phát hành. Cụ thể:
a/ Đối với nhà đầu tư trái phiếu:
- Không nhận được tiền lãi trái phiếu: Theo định kỳ, người sở hữu trái phiếu sẽ nhận được lãi suất trái phiếu từ bên doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đây là khoản tiền lời cho hoạt động đầu tư trái phiếu.
- Thường phải bán trái phiếu với giá thấp hơn: Khi nhà đầu tư rút trái phiếu trước hạn có nghĩa là phải chấp nhận bán lại trái phiếu với mức giá thấp hơn.
- Việc rút trái phiếu trước hạn thường do tâm lý đám đông lo ngại về rủi ro nên rút trước hạn ồ ạt dẫn đến tình trạng khó tất toán trước hạn.
b/ Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu:
- Giảm gánh nặng tài chính: Mua lại trái phiếu trước hạn thì doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay, đồng thời giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu hiện tại của mình.
- Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ bị suy giảm về dòng tiền, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp đang thiếu vốn để triển khai các dự án.
- Có thể phải phát hành lại các đợt trái phiếu khác: Song thủ tục, thời gian, lãi suất phát hành lại trái phiếu sẽ cao hơn.
- Đặc biệt, nếu nhà đầu tư đồng loạt rút trái phiếu trước hạn, một số doanh nghiệp xoay vốn không kịp có thể dẫn đến vỡ nợ trái phiếu thậm chí là phá sản.
4. Rủi ro khi rút trái phiếu trước hạn
Trước khi quyết định rút trái phiếu trước hạn, nhà đầu tư cần biết được những rủi ro khi rút trái phiếu trước hạn:
- Có thể không thu hồi được 100% vốn đầu tư mua trái phiếu: Khi chấp nhận bán lại trái phiếu, thì bên mua trái phiếu có thể hạ giá trái phiếu xuống, nên rủi ro về không thu hồn được 100% vốn như ban đầu là điều có thể xảy ra.
- Tính thanh khoản trái phiếu thấp: Nếu trường hợp doanh nghiệp phát hành thực hiện mua lại thì không vấn đề gì, nếu như việc tất cả các nhà đầu tư đồng loại rút trái phiếu trước hạn sẽ khiến cho trái phiếu rất khó thanh khoản được.
- Không nhận được lãi: Tất toán trái phiếu trước đồng nghĩa với việc sẽ không nhận được bất kỳ khoản lãi nào.
Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:
Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ với Công ty TNHH Luật Hải Việt qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com