Đối với mỗi gia đình, nhà ở là một vấn đề vô cùng quan trọng và đòi hỏi một sự ổn định. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, giấy tờ sở hữu nhà ở chỉ đứng tên một người vợ hoặc chồng dẫn đến việc họ sử dụng nhà ở để xác lập giao dịch với mục đích cá nhân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi hợp pháp của người còn lại cũng như lợi ích chung của cả gia đình. Vậy Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như thế nào về Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng?
MỤC LỤC
Quy định của pháp luật về chế độ tài sản chung của vợ chồng:
Các trường hợp giao dịch về dân sự cần sự đồng ý của vợ và chồng
Thứ nhất: Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng cần sự đồng ý của vợ và chồng:
Thứ hai: Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung cần sự đồng ý của vợ và chồng:
Thứ ba: Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng cần sự đồng ý của vợ và chồng:
Giao dịch liên quan đến nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng
Căn cứ Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:
“Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.”
Đối với vợ, chồng hay bất kì cá nhân nào khác thì nhu cầu về nhà ở là một nhu cầu hết sức quan trọng và là nhu cầu thiết yếu. Nhà ở là nơi cả gia đình cùng nhau sinh sống, nuôi dạy con cái, dành thời gian để cùng nhau nghỉ ngơi, xây dựng cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhà ở là một loại tài sản có giá trị vô cùng lớn, có thể nói là lớn nhất đối với mỗi gia đình. Thực tế, có những cặp vợ chồng dành dụm, tích góp và lao động nhiều năm liền mới có thể xây dựng một ngôi nhà của riêng họ.
Do là loại tài sản quan trọng như vậy nên bất kì thay đổi nào về nhà ở cũng ảnh hưởng đến cuộc sống, đến quyền và nghĩa vụ của các bên. Chính vì vậy, để đảm bảo sự ổn định đời sống cho các gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã đặt ra quy định đối với những giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng.
Ảnh minh họa
Nguyên tắc chung như sau:
– Nếu nhà ở là tài sản chung và là nơi ở chung duy nhất thì việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà ở phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng.
– Nếu nhà ở là tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng thì người vợ hoặc chồng có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải kèm điều kiện đảm bảo chỗ ở cho người còn lại và cho các con.
Như vậy, đối với tài sản đặc biệt là nhà ở- nơi ở duy nhất của vợ chồng thì việc định đoạt tài sản này phải dựa trên thỏa thuận của hai vợ chồng.
Trong trường hợp nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng nhưng lại là tài sản riêng của cá nhân vợ, chồng thì cá nhân vợ, chồng có quyền định đoạt đối với tài sản đó.
Song quyền tự định đoạt này bị hạn chế bằng việc chủ sở hữu tài sản riêng đó khi định đoạt tài sản của mình vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người khác (quyền có chỗ ở). Nói cách khác, trường hợp nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng dù là tài sản chung hay tài sản riêng thì việc định đoạt tài sản đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu thiết yếu về chỗ ở của vợ, chồng.
Lưu ý của công ty TNHH Luật Hải Việt
Trên đây là bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua: Hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com