Doanh nghiệp xã hội là gì?

doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội là một thuật ngữ mới xuất hiện ở Việt Nam và đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách cũng như của xã hội. Hiện nay, địa vị pháp  lý của loại doanh nghiệp này được pháp luật quy định ra sao, đây có phải là một loại hình doanh nghiệp đặc thù không?

Doanh nghiệp xã hội là gì?

Luật Doanh nghiệp 2020 không đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp xã hội nhưng nêu ra các tiêu chí để xác định thế nào là một doanh nghiệp xã hội.

Khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

“1. Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

 

a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;

b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.”

Từ quy định này có thể hiểu, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, với mục đích hoạt động nhằm giải quyết vẩn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đó.

Trách nhiệm của Doanh nghiệp xã hội

doanh nghiệp xã hội

 

Khác với những doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội được thành lập vì mục tiêu xã hội, môi trường và cộng đồng nên về trách nhiệm cũng sẽ có những đặc thù riêng biệt.

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội như sau:

“1. Doanh nghiệp xã hội phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động. Trừ trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết, doanh nghiệp xã hội phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã tiếp nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.”

Doanh nghiệp xã hội có quyền và nghĩa vụ gì?

Quyền của doanh nghiệp xã hội

Với bản chất là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, do đó, bên cạnh các quyền như những doanh nghiệp khác, doanh nghiệp xã hội còn có các quyền riêng biệt sau:

– Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;

– Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội

Tương tự như đối với quyền, bên cạnh các nghĩa vụ như những doanh nghiệp khác, doanh nghiệp xã hội còn có các nghĩa vụ riêng biệt sau:

– Duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này trong suốt quá trình hoạt động;

– Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

– Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:

Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *