Hôn nhân là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong cuộc sống con người. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, hôn nhân tạo nên gia đình, gia đình tạo nên xã hội. Vậy hôn nhân là gì? Đặc điểm của hôn nhân ra sao? Vậy chúng ta cùng tìm hiểu những điều cơ bản nhất của hôn nhân theo luật định trong bài viết dưới đây.
-
Hôn nhân là gì?
Theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã thực hiện các quy định của pháp luật về kết hôn, nhằm chung sống với nhau hướng tới mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững và bình đẳng.
Nam nữ xác lập quan hệ hôn nhân nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm giữa hai bên và tương trợ lẫn nhau về những nhu cầu vật chất trong đời sống hàng ngày. Hôn nhân là quan hệ gắn liền với nhân thân của mỗi bên với tư cách là vợ chồng. Trong xã hội mà các quan hệ hôn nhân được coi là quan hệ pháp luật thì sự liên kết giữa người nam và người nữ mang ý nghĩa như một sự kiện pháp lý làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định cho các bên trong quan hệ vợ chồng.
Hôn nhân là sự liên kết giữa một người nam và một người nữ – hôn nhân một vợ một chồng. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc cấm người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
2. Đặc điểm của hôn nhân
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định hôn nhân có những đặc điểm sau:
– Có mục đích chung sống với nhau lâu dài và xây dựng gia đình. Nếu nam nữ kết hôn là để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài, hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm để chung sống và xây dựng gia đình thì gọi là kết hôn giả tạo. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cấm kết hôn giả tạo điểm a, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
– Dựa trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện. Hai bên nam nữ có quyền tự mình quyết định việc kết hôn, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối và cũng không bị cản trở. Sau khi kết hôn, việc duy trì hay chấm dứt quan hệ hôn nhân dựa trên sự tự nguyện của mỗi bên vợ, chồng. Hôn nhân dựa trên sự bình đẳng, không có sự phân biệt, kì thị giữa người nước ngoài, người thuộc dân tộc hoặc tôn giáo nào, quan hệ hôn nhân của họ đều được tôn trọng và bảo vệ (khoản 2 Điều 2 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13).
– Xác lập theo quy định của pháp luật. Khi kết hôn, các bên phải tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Khi chấm dứt hôn nhân (do ly hôn, do vợ hoặc chồng chết, do vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố là đã chết) phải dựa trên những căn cứ pháp lý được pháp luật quy định.
Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ với Công ty TNHH Luật Hải Việt qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com |
Pingback: Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện - Công ty TNHH Luật Hải Việt