Đăng ký bảo hộ logo thương hiệu là một biện pháp khá đơn giản, hiệu quả và nhanh chóng; giúp doanh nghiệp phát triển giá trị cốt lõi cũng như giữ vững hình ảnh của mình đối với khách hàng. Vậy việc đăng ký bảo hộ logo thương hiệu có thật sự cần thiết đối với doanh nghiệp? Hãy cùng chứng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
MỤC LỤC
Thương hiệu là gì?
Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, mặc dù thuật ngữ “thương hiệu” đôi khi được sử dụng như một từ đồng nghĩa của “nhãn hiệu” trong lĩnh vực thương mại, nhưng nó thường được sử dụng theo nghĩa rộng hơn bao gồm sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và vô hình, chẳng hạn như một nhãn hiệu, một thiết kế, biểu tượng, hình ảnh thương mại, khái niệm, ảnh và danh tiếng mà các yếu tố đó liên quan tới các sản phẩm dịch vụ cụ thể. Một số chuyên gia coi bản thân hàng hóa hoặc dịch vụ là một phần của thương hiệu.
Logo là gì? Đặc trưng của Logo
Logo được hiểu là một biểu trưng, biểu tượng được thể hiện bởi tập hợp những ký tự, hình ảnh và màu sắc nhằm tạo nên một dấu hiệu với mục đích nhận diện thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp, góp phần tạo dựng vị thế của doanh nghiệp đó trên thị trường.
Logo có các đặc trưng sau:
(i) Logo là một dấu hiệu có thể nhìn thấy được dưới dạng kí tự, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ, hình ảnh hai chiều hoặc ba chiều hoặc tổng thể sự kết hợp của những yếu tố trên và thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc khác nhau.
(ii) Logo giúp người xem dễ nhận biết, dễ ghi nhớ đồng thời việc hình dung được dễ dàng hơn.
(iii) Logo được tạo ra nhằm biểu thị cho những nội dung, ý nghĩa riêng nhất định, giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu và tạo nên những ấn tượng khắc sâu vào tâm trí khách hàng. Từ đó, logo sẽ giúp cho khách hàng nhớ đến hình ảnh doanh nghiệp được rõ hơn và việc định vị thương hiệu trở nên đơn giản hơn.
(iv) Logo mang một phạm vi tượng trưng tương đối rộng khi bản thân chúng có thể nhận diện cho một đơn vị hành chính, một chương trình, một lễ hội, một cá nhân, một tổ chức hay một hàng hóa, sản phẩm dịch vụ.
Tại sao cần phải đăng ký bảo hộ logo thương hiệu?
Thứ nhất, chống lại hành vi xâm phạm. Khách hàng chỉ cần nhìn thấy logo là có thể nhận diện ngay chính bạn. Khi doanh nghiệp đã tạo lập được một vị thế trên thị trường thì ngay lập tức sẽ có hàng loạt đối thủ tiềm năng có thể tự ý sử dụng thương hiệu của bạn nếu bạn không đăng ký bảo hộ logo thương hiệu của mình.
Điều này không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà về lâu dài có thể để mất khách hàng vào tay các doanh nghiệp cùng ngành khác. Việc đăng ký bảo hộ logo thương hiệu có thể được bảo vệ hợp pháp, không ai có thể sao chép nó và tránh tình trạng các đối thủ cạnh tranh có thể sử dụng logo của bạn.
Thứ hai, đảm bảo an toàn trên phương tiện truyền thông. Khách hàng hiện nay có xu hướng tìm kiếm tên thương hiệu trên Facebook, Twitter, Pinterest và các trang mạng xã hội khác. Khi logo thương hiệu được bảo hộ, các phương tiện truyền thông xã hội sẽ đình chỉ tài khoản nếu ai đó lấy tên doanh nghiệp của bạn và làm sai lệch thương hiệu. Bạn có thể dễ dàng tham khảo các thông tin này tại điều khoản của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Linkedin…
Thứ ba, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm trong việc phát triển sản phẩm, ngành nghề kinh doanh, tránh phải đối mặt với những thiệt hại về mặt kinh tế do hành vi xâm phạm gây nên.
Rủi ro của doanh nghiệp nếu không đăng ký bảo hộ logo thương hiệu
Nếu không đăng ký bảo hộ logo thương hiệu, doanh nghiệp có thể phải gánh chịu các rủi ro như:
(i) Bị đơn vị khác đăng ký trước logo.
(ii) Phải chịu thiệt hại về kinh tế khi phải thay đổi bộ nhận diện thương hiệu.
(iv) Phải thu hồi toàn bộ các sản phẩm đã đưa ra thị trường…
Thủ tục đăng ký bảo hộ logo thương hiệu
Căn cứ Điều 108 đến Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019), thủ tục đăng ký bảo hộ logo thương hiệu gồm các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký
(i) Mẫu logo độc quyền: Doanh nghiệp có thể Đăng ký logo hình ảnh hoặc đăng ký logo chữ.
(ii) Tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký logo độc quyền (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 01/2007 của Bộ Khoa học Công nghệ).
Bước 2: Tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ logo độc quyền với yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Theo luật định, thời gian kể từ khi nộp đơn đến khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền (logo) là khoảng 12 đến 18 tháng (với điều kiện là logo đáp ứng các điều kiện bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu và đơn đăng ký nhãn hiệu không bị sửa đổi, bổ sung hoặc bị phản đối).
Bước 3: Chờ nhận kết quả
Đơn đăng ký logo sẽ được thẩm định qua nhiều gia đoạn khác nhau bao gồm:
(i) Thời hạn thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
(ii) Thời hạn công bố đơn đăng ký nhãn hiệu: 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
(iii) Thời hạn thẩm định nội dung: 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
(iv) Ra thông báo chấp nhận hoặc từ chối đơn đăng ký: Sau khi kết thúc quá trình thẩm định đơn đăng ký. Trường hợp đơn đăng ký đáp ứng yêu cầu bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo và cấp giấy chứng nhận đăng ký logo cho chủ sở hữu. Ngược lại, Cục sẽ ra thông báo từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký và sẽ nêu rõ lý do từ chối trong thông báo.
Bước 4: Cấp văn bằng bảo hộ đơn đăng ký
Việc cấp văn bằng sẽ được thực hiện trong 01 – 02 tháng sau khi chủ đơn đã nộp chi phí cấp văn bằng bảo hộ.
Thời gian bảo hộ của 1 văn bằng là 10 năm tính từ ngày nộp đơn, trước hoặc sau 6 tháng tính từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực, chủ sở hữu phải tiến hành thủ tục gia hạn văn bằng thêm 01 khoảng thời gian 10 năm tiếp theo. Trường hợp không có nhu cầu sử dụng tiếp theo, chủ sở hữu sẽ để văn bằng tự hết hiệu lực.
LƯU Ý
- Bài viết trong lĩnh vực trên được chuyên gia của công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Tại thời điểm viết bài tác giả có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy.
- Trường hợp quý độc giả cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Công ty TNHH Luật Hải Việt.
Pingback: Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu tập thể - Công ty TNHH Luật Hải Việt