MỤC LỤC
Đầu tư bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, cần lưu ý gì?
Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp đang hoạt động là một hình thức đầu tư phổ biến bởi tính thuận tiện, thủ tục đơn giản. Tuy nhiên trước khi quyết định đầu tư, các nhà đầu tư nên tiến hành theo các bước cơ bản để giảm thiếu rủi ro sau này.
Tổng quan quy định về hình thức Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
Luật Đầu tư năm 2020 quy định tại Điều 21 về các hình thức đầu tư, trong đó bao gồm hình thức: “Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.” Về cơ bản, hình thức đầu tư này sẽ chia ra làm hai loại chính: (i) Trực tiếp góp vốn vào doanh nghiệp, (ii) Mua phần vốn góp, cổ phần của cá nhân/ tổ chức khác trong doanh nghiệp hiện hữu. Theo đó:
Nhà đầu tư được góp vốn vào các tổ chức kinh tế theo các hình thức:
(i) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
(ii) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
(iii) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
(i) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
(ii) Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
(iii) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
(iv) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác
Các bước đầu tư bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Đứng từ góc nhìn bên mua, quy trình góp vốn, mua phần vốn góp, cổ phần thường được tiến hành trên 7 bước cơ bản:
Bước 1: Chọn lựa các công ty mục tiêu
Bước này chủ yếu là những đánh giá bước đầu về các công ty mục tiêu và bên bán, về nhu cầu bán, sự phù hợp giữa hoạt động chính của công ty mục tiêu và kế hoạch của bên mua. Bên mua có thể thực hiện bước này mà không cần sự tham gia của bên bán. Khi hoàn tất quá trình này, bên mua sẽ có một danh sách rút gọn của các công ty mục tiêu tiềm năng.
Bước 2: Thư ngỏ
Bên mua sẽ gửi thư ngỏ đến công ty mục tiêu hoặc bên bán để thể hiện thiện chí và mong muốn thực hiện giao dịch góp vốn, mua cổ phần. Thư ngỏ không phải là một hợp đồng hay thỏa thuận có tính ràng buộc, mà chỉ ghi nhận những gì sẽ được dự kiến thực hiện trong giao dịch hoặc cấu trúc ban đầu của giao dịch. Tất nhiên đôi khi hai bên cũng có thể quy định một số điều khoản có tính chất ràng buộc, thông thường là nghĩa vụ bảo mật của bên mua hoặc cam kết của bên bán sẽ không chào bán cho bên nào khác trong thời gian thương lượng với bên mua.
Bước 3: Điều tra chi tiết
Để nắm được thông tin chi tiết về bên bán, bên mua sẽ mời tư vấn, Luật sư, kế toán… xem xét toàn bộ tài liệu về công ty mục tiêu để đưa ra những đánh giá toàn diện, thấu đáo về công ty mục tiêu như những vấn đề về pháp lý, tài chính, lao động, tài sản, đất đai, môi trường… Báo cáo thẩm tra chi tiết do Luật sư, kế toán, tư vấn đưa ra sẽ là cơ sở để bên mua và bên bán thống nhất giá cả, cấu trúc giao dịch và nội dung hợp đồng mua bán.
Bước 4: Thương lượng và ký kết hợp đồng mua bán
Trên cơ sở các thông tin có được từ việc thẩm tra chi tiết, các bên sẽ thảo luận các nội dung của hợp đồng mua bán. Giai đoạn này thông thường rất tốn thời gian và rất dễ khiến giao dịch đổ vỡ. Việc thương lượng thành công sẽ dẫn đến việc ký kết hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, thông thường hợp đồng sẽ chưa có hiệu lực đầy đủ khi chưa nhận được các phê chuẩn cần thiết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bước 5: Xin phê chuẩn về chủ trương
Thông thường, một giao dịch góp vốn, mua cổ phần sẽ phải xin phê chuẩn nội bộ và phê chuẩn từ bên ngoài. Phê chuẩn nội bộ là phê chuẩn từ các cổ đông/thành viên. Phê chuẩn từ bên ngoài thường từ các cơ quan nhà nước như cơ quan cạnh tranh, ủy ban chứng khoán, cơ quan đăng ký kinh doanh/đầu tư.
Bước 6: Nộp hồ sơ đăng ký giao dịch
Khi đã có được chấp thuận về mặt chủ trương của các cổ đồng/thành viên và các cơ quan liên quan, hồ sơ hoàn chỉnh sẽ được trình lên các cơ quan nhà nước để ban hành quyết định chính thức (bằng việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư sửa đổi ghi nhận giao dịch góp vốn, mua cổ phần đó).
Theo Luật Đầu tư năm 2020, khi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc việc góp vốn, mua cổ phần, vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành thủ tục về đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại cơ quan đăng ký đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính. Sau khi tiến hành thủ tục này, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ trả kết quả là văn bản trả lời đồng ý hoặc không.
Bước 7: Hoàn tất giao dịch
Sau khi có được các phê chuẩn cần thiết để nhà đầu tư được coi là thành viên góp vốn hoặc cổ đông của công ty mục tiêu, các bên sẽ phải gặp gỡ để xác nhận việc hoàn tất giao dịch (như bên mua đã giao đủ tiền, bên bán đã thực hiện đủ nghĩa vụ) hoặc thống nhất những việc cần tiếp tục thực hiện sau khi hoàn tất.
Bảy bước nêu trên là quy trình thường gặp trong một giao dịch góp vốn, mua cổ phần. Tất nhiên, một giao dịch góp vốn, mua cổ phần cụ thể không bắt buộc phải trải qua bảy bước mà có thể rút ngắn hoặc nhìn chia nhỏ thành nhiều bước hơn, tùy thỏa thuận của các bên.