Quy định về xử lý cổ phần của cổ đông đã chết

Cổ đông trong công ty cổ phần là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty. Trong trường hợp cổ đông không may qua đời, số cổ phần của cổ đông đã chết đó sẽ được xử lý như thế nào? Cùng Luật Hải Việt tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Quy định về chuyển nhượng cổ phần của cổ đông đã chết

Trong trường hợp cổ đông công ty cổ phần không may qua đời, cổ phần mà người đó sở hữu tại công ty cổ phần sẽ được chuyển nhượng cho người khác. Việc chuyển nhượng được thực hiện dưới hình thức thừa kế, di sản thừa kế chính là cổ phần.

Khoản 3, khoản 4 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

“3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty.

Trường hợp cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.”

Theo quy định pháp luật, nếu cổ đông chết, cổ phần của người đó sẽ được chuyển nhượng như sau:

  • Trường hợp có người thừa kế: Cổ phần sẽ được chuyển giao cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó. Người thừa kế trở thành cổ đông của công ty.
  • Trường hợp không có người thừa kế hoặc người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế: Cổ phần sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
(Xử lý cổ phần của cổ đông đã chết)

Người thừa kế của cổ đông đã chết gồm những ai?

Trong trường hợp cổ đông đã chết có để lại di chúc hợp pháp, người thừa kế được xác định là người được hưởng di sản theo nội dung di chúc.

Trong trường hợp không có di chúc, việc chia thừa kế sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Người thừa kế theo pháp luật bao gồm:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Xử lý cổ phần không thể chuyển giao cho người thừa kế

Cổ phần không thể chuyển giao cho người thừa kế xảy ra trong trường hợp cổ đông đã chết không có người thừa kế hoặc người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc bị truất quyền thừa kế.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, trong trường hợp này, số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.”

Theo đó, nếu cổ phần của cổ đông đã chết không thể chuyển giao cho người thừa kế thì sẽ thuộc về Nhà nước.

Xem thêm: Cổ đông sáng lập có được chuyển nhượng cổ phần cho người ngoài không?

Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:

Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ với Công ty TNHH Luật Hải Việt qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *