Quy định tài sản góp vốn

Để thành lập công ty thì cá nhân, tổ chức đều phải góp vốn, theo đó, tài sản góp vốn là gì, tài sản góp vốn gồm những loại nào? Quy định của pháp luật về tài sản góp vốn? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ vấn đề này.

Tài sản góp vốn là gì?

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ cho công ty. Góp vốn bao gồm: Góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp để tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

Theo Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 giải thích về tài sản góp vốn như sau:

  • Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
  • Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Các nhà đầu tư có thể góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng các loại tài sản khác nhau như tiền, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ... Khi góp vốn bằng tài sản không phải là tiền mặt, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục định giá tài sản và chuyển quyền sở hữu tài sản để tạo thành vốn vào doanh nghiệp.

Nguyên tắc định giá tài sản góp vốn trong doanh nghiệp

Về nguyên tắc, những gì được gọi là tài sản theo quy định tại theo Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 thì đều có thể đem góp vốn trong doanh nghiệp. Tuy vậy, xét trên thực tế, những tài sản đem góp vốn phải là những tài sản có thể xác định được giá trị và có thể giao dịch được trên thị trường hợp pháp. 

Việc góp vốn thành lập công ty được tiến hành trên cơ sở tự nguyện giữa các bên. Chính vì vậy, việc định giá tài sản cũng được thực hiện theo nguyên tắc các thành viên tự quyết định.

Về nguyên tắc, các thành viên có quyền định giá tài sản góp vốn theo nguyên tắc nhất trí, cần phải thấy ý nghĩa của việc định giá tài sản góp vốn là nhằm xác định giá trị của tài sản để có thể góp vốn vào doanh nghiệp.  Do đó việc xác định theo đúng giá trị tài sản. 

Tức là, việc định giá tài sản phải được thực hiện theo nguyên tắc đúng với giá trị của nó tại thời điểm kết thúc định giá.

Tài sản góp vốn cần đáp ứng điều kiện gì?

  • Tài sản đem góp vốn phải thuộc sở hữu hợp pháp của người góp vốn hoặc thuộc quyền định đoạt của người góp vốn. Khi các cá nhân, chủ thể tham gia góp vốn thành lập công ty, người góp vốn phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản đem góp vốn sang cho công ty và điều này chỉ có thể thực hiện nếu tài sản đó thuộc sở hữu hợp pháp hoặc thuộc quyền định đoạt của người góp vốn. Vì vậy tài sản góp vốn phải thuộc quyền sở hữu hoặc thuộc quyền định đoạt của người góp vốn.
  • Tài sản đem góp vốn phải là tài sản có thể chuyển nhượng được. Theo quy định của pháp luật hiện hành có một số tài sản bị hạn chế quyền định đoạt như tài sản chung của vợ chồng, tài sản đem thế chấp. Vì vậy, tài sản đem góp vốn phải là tài sản có thể chuyển nhượng được.
  • Phải có đầy đủ các giấy tờ chứng nhận đối với tài sản có đăng kí sở hữu. Để tránh các tranh chấp xảy ra sau khi thực hiện góp vốn làm phương hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì đối với trường hợp các cá nhân, tổ chức thực hiện góp vốn bằng các loại tài sản này phải có đầy đủ các giấy tờ xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng của người góp vốn đối với tài sản góp vốn.

Thời điểm định giá tài sản góp vốn

Việc định giá tài sản góp vốn được quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cụ thể có nội dung sau đây: Đối với tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng: thì việc định giá được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá thực hiện và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

Như vậy, đối với việc góp vốn vào doanh nghiệp sẽ được thực hiện tại hai thời điểm sau đây: khi thành lập doanh nghiệp và sau khi thành lập doanh nghiệp

  • Thứ nhất, khi thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá tài sản.Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận đồng ý. 
  • Thứ hai, sau khi thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận. 

Tham khảo thêm: Huy động vốn vào doanh nghiệp gồm hình thức nào? 

Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:

Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *