Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng

Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định. Cũng xuất phát từ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đã ghi nhận trong Bộ luật dân sự năm 2015. Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể như sau:

 “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.”

Khác với quan hệ vợ chồng trong các chế độ xã hội xưa, người vợ thường chấp nhận phục tùng người chồng, ít khi được tham gia vào những quyết định quan trọng. Ngày nay, bình đẳng là thước đo sự phát triển của xã hội, là một giá trị mới nhân văn của gia đình hiện đại, là tiêu chí đánh giá một gia đình hạnh phúc. Việc nhấn mạnh quyền bình đẳng trong quan hệ vợ chồng là hướng đến bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ vốn đã hàng trăm năm nay luôn bị quan niệm là hậu phương, là “lấy chồng phải theo chồng”.

Ảnh minh họa

Quyền bình đẳng giữa vợ và chồng được hiểu là sự ngang nhau về quyền và nghĩa vụ trong gia đình. Tuy nhiên, quyền bình đẳng giữa vợ và chồng về mọi mặt trong gia đình không có nghĩa là quyền tự do, tự ý làm những việc mình thích. Quyền bình đẳng thể hiện trong việc vợ chồng cùng nhau bàn bạc và quyết định về các vấn đề liên quan đến nhân thân và tài sản của bản thân vợ, chồng và của mỗi thành viên trong gia đình, liên quan đến đời sống chung của vợ chồng.

Quyền bình đẳng giữa vợ và chồng thể hiện ở nghĩa vụ và quyền nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục con cái. Cha mẹ cũng cần phải yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, quan tâm và chăm sóc tới sự phát triển của con cả về thể chất và trí tuệ, đạo đức để con trở thành công dân có ích cho xã hội. Nuôi dạy con không chỉ là nghĩa vụ của vợ chồng đối với con mà còn là nghĩa vụ của họ trước Nhà nước và xã hội trong việc nuôi dưỡng thế hệ trẻ. Vì vậy, vợ chồng phải cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật trong khi họ không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Quyền bình đẳng của vợ chồng còn được thể hiện trong việc yêu cầu ly hôn. Một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn hoặc cả hai vợ chồng cùng yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn tuy là một quyền bình đẳng nhưng không phải được áp dụng tùy tiện, mà khi vợ hoặc chồng có yêu cầu Tòa án xử lý ly hôn cũng cần có căn cứ xác thực theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, vợ chồng còn có các quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, tham gia các công tác xã hội, có quyền học tập nâng cao trình độ chuyên môn, quyền lựa chọn chỗ ở nơi cư trú và quyền lựa chọn tín ngưỡng, tôn giáo, quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín. Vợ chồng bình đẳng trong mối quan hệ với con chung. Như vậy, khi xác lập quan hệ hôn nhân, với tư cách là một công dân, vợ, chồng được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Ngoài ra, vợ chồng còn có quyền đại diện cho nhau theo quy định của pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của người kia. Quy định về quyền đại diện giữa vợ, chồng là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên vợ hoặc chồng cũng như người thứ ba khi một bên vợ, chồng xác lập hoặc thực hiện các giao dịch dân sự.

Như vậy, có thể thấy bình đẳng giới nói chung và vấn đề bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ nói riêng không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia mà còn là vấn đề đáng quan tâm của nhân loại, mang tính quốc tế. Không chỉ phụ nữ của riêng quốc gia nào mà tất cả phụ nữ trên thế giới đều cần được bảo vệ, tôn trọng và đối xử bình đẳng như nam giới.

Lưu ý Công ty TNHH Luật Hải Việt 

Trên đây là bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua:  Hotline: 0943.812.889; E-mail: luathaiviet@gmail.com.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *