Trong một xã hội phát triển, việc quản lý và giải quyết tranh chấp đất đai đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững. Trong nội dung bài viết này. Chúng tôi sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu các Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai dựa vào những quy định nào?
MỤC LỤC
Tranh chấp đất đai là gì?
Tranh chấp là việc giành nhau một cách giằng co không rõ thuộc về bên nào. Tranh chấp cũng có nghĩa là đấu tranh giằng co khi có ý kiến bất đồng. Thường là trong vấn dề quyền lợi giữa hai bên.
Căn cứ Khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013. Tranh chấp đất đai được định nghĩa như sau:
“Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”
Tranh chấp đất đai là một loại tranh chấp dân sự. Theo đó, tranh chấp dân sự là những tranh chấp về quyền, quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Hiểu đơn giản là những xung đột lợi ích giữa ít nhất hai bên trong lĩnh vực dân sự.
Xem thêm: Những loại đất được cấp sổ đỏ
Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai
Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ
Trên thực tế, để giải quyết việc tranh chấp đất đai. Sổ đỏ không phải là căn cứ duy nhất. Trong trường hợp không có sổ đỏ, người sử dụng đất có thể cung cấp các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Được quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013.
Ngoài ra tại khoản 1 Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:
- Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra;
- Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp. Và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;
- Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước;
- Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai có sổ đỏ
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là sổ đỏ. Sẽ có một số loại Giấy chứng nhận tùy vào từng giai đoạn như sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất; Và khi giải quyết trong trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ phải xem xét, căn cứ vào những thông tin ghi nhận trên sổ để đưa ra kết quả giải quyết.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải. Hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Trong trường hợp các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Tranh chấp đất đai phải hòa giải bắt buộc tại UBND cấp xã nơi có đất trước khi khởi kiện, trường hợp không hòa giải mà nộp đơn trực tiếp lên Tòa án thì Tòa sẽ không thụ lý vì không đủ điều kiện khởi kiện.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành. Thì tranh chấp được giải quyết như sau:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Cụ thể như sau:
+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau. Thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
+ Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thì tranh chấp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết phải ra quyết định giải quyết tranh chấp; Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Ngoài ra, các bên tranh chấp có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Việc khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Xem thêm: Các trường hợp thu hồi đất
Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:
Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com
Pingback: Đất xen kẹt là gì? Đất xen kẹt có xin cấp sổ đỏ được không? - Công ty TNHH Luật Hải Việt