QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THỤ LÝ ĐƠN LY HÔN

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp sau kết hôn đều có thể duy trì được mối quan hệ hôn nhân lâu dài và kết quả của việc không thể duy trì mỗi quan hệ hôn nhân đó chính là việc ly hôn. Để có được quyết định, bản án ly hôn thì vợ chồng cần phải thực hiện các thủ tục pháp lý tại Toà án nhân dân có thẩm quyền. Vậy, quá trình thụ ly đơn ly hôn được diễn ra như thế nào?

Khái niệm thụ lý đơn ly hôn 

Căn cứ Điều 53 Luật hôn nhân và Gia đình 2014, việc thụ lý đơn yêu cầu ly hôn được quy định như sau:

“Điều 53. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn

  1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
  2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”

Như vậy, thụ lý đơn ly hôn là việc Tòa án tiếp nhận và thu lý vụ án để tiến hành giải quyết sau khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Đơn ly hôn là gì?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Để thực hiện được thủ tục ly hôn thì việc soạn thảo đơn ly hôn là việc tiên quyết cần phải làm để Toà án có căn cứ xem xét vụ việc giải quyết.

Như vậy, đơn ly hôn là tên gọi chung chỉ văn bản mà đương sự trình bày các nội dung về quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản chung và nợ chung để Toà án xem xét giải quyết theo yêu cầu của đương sự.

Hiện nay, theo quy định pháp luật hôn nhân và gia đình thì có hai trường hợp ly hôn tương ứng với hai mẫu đơn ly hôn khác nhau là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương.

Theo đó, nếu như ly hôn thuận tình thì cần soạn thảo đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn hoặc ly hôn đơn phương thì soạn thảo đơn khởi kiện về yêu cầu ly hôn để yêu cầu Toà án xem xét giải quyết.

Thời hạn và thủ tục thụ lý đơn ly hôn

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

“Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí”.

Lúc này Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trong trường hợp ly hôn thuận tình thì thời hạn nộp tạm ứng án phí là 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Và theo Khoản 3 Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;

b) Tên, địa chỉ Tòa án đã thụ lý vụ án;

c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện;

d) Những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết;

đ) Vụ án được thụ lý theo thủ tục thông thường hay thủ tục rút gọn;

e) Danh mục tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện;

g) Thời hạn bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Tòa án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có);

h) Hậu quả pháp lý của việc bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không nộp cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện.

Lý do đơn ly hôn không được thụ lý?

Đơn ly hôn không được thụ lý có thể do nhiều nguyên nhân, Luật Hải Việt đưa ra một số lỗi khách hàng thường mắc phải khiến hồ sơ không được thụ lý như sau:

  • Hồ sơ ly hôn nộp đến Toà án chưa đúng theo quy định có thể như thiếu chứng minh nhân dân, hồ sơ ly hôn thiếu hộ khẩu bản sao, hồ sơ ly hôn thiếu đăng ký kết hôn bản chính, hồ sơ ly hôn thiếu giấy khai sinh của con bản sao,…
  • Mẫu đơn ly hôn không đúng, chuẩn theo quy định. Ví dụ: ly hôn thuận tình nhưng viết đơn khởi kiện, nội dung đơn ghi không chính xác,…
  • Nộp hồ sơ không đúng nơi Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết;

Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt

Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *