MỤC LỤC
Giám định quyền tác giả là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL quy định như sau:
“Giám định quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi tắt là giám định) là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định.”
Như vậy, giám định quyền tác giả, quyền liên quan là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định. Tuy nhiên vẫn có các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, khi đó chúng ta không cần phải giám định
Việc giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện bằng hình thức giám định cá nhân hoặc giám định tập thể đối với những vụ việc phức tạp.
Việc xem xét giám định bao gồm một hoặc các nội dung: Xác định đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan; Xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Xác định giá trị quyền tác giả, quyền liên quan, xác định giá trị thiệt hại và các nội dung khác có liên quan về quyền tác giả, quyền liên quan. Người giám định tư pháp có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định.
Lĩnh vực giám định quyền tác giả bao gồm:
Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL quy định như sau:
” Lĩnh vực giám định về quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 105/2006/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 119/2010/NĐ-CP) bao gồm các chuyên ngành:
a) Giám định quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ;
b) Giám định quyền liên quan đối với các đối tượng quyền liên quan quy định tại Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ”
Nguyên tắc giám định quyền tác giả
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL việc giám định quyền tác giả, quyền liên quan cần đảm bảo nguyên tắc sau:
- Tuân thủ pháp luật
- Trung thực, chính xác, khách quan.
- Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan trong phạm vi được yêu cầu.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định.
Quy trình bốn bước khi thực hiện giám định quyền tác giả, quyền liên quan
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu hoặc trưng cầu giám định: chủ thể thực hiện giám định tư pháp tiếp nhận trưng cầu hoặc yêu cầu kèm theo đối tượng giám định cùng tài liệu, mẫu vật có liên quan.
Bước 2: Chuẩn bị thực hiện giám định. Chủ thể thực hiện giám định tư pháp phải nghiên cứu yêu cầu, trưng cầu và quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và có quyền yêu cầu bên yêu cầu, trưng cầu giám định cung cấp, bổ sung làm rõ thông tin.
Bước 3: Thực hiện giám định. Chủ thể thực hiện giám định xem xét đối tượng giám định và sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật trên cơ sở hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định
Bước 4: Ban hành và bàn giao kết luận giám định. Căn cứ công việc tiến hành ở 3 bước trên chủ thể thực hiện giám định đưa ra kết luận giám định về vấn đề được yêu cầu hoặc trưng cầu
Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:
Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com