Quyền tự do xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được quy định như thế nào?

quyền tự do xuất nhập khẩu

Quyền tự do xuất nhập khẩu là một trong những quyền đương nhiên của doanh nghiệp được pháp luật ghi nhận. Cụ thể về quyền này như thế nào, bài viết dưới đây của Hải Việt Luật sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về quyền tự do xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

quyền tự do xuất nhập khẩu

Xuất khẩu là gì? Nhập khẩu là gì?

Kinh doanh xuất nhập khẩu là hoạt động ngoại thương mang lại nguồn thu vô cùng lớn cho nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Điều 28 Luật Thương mại 2005 định nghĩa về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa như sau:

Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

Quy định pháp luật về quyền tự do xuất nhập khẩu của doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp có quyền xuất khẩu, nhập khẩu. Bên cạnh đó, tại Điều 3 Nghị định 69/2018/NĐ-CP cũng quy định về quyền tự do xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Đối với thương nhân Việt Nam

Thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.

Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này phải thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Danh mục hàng hóa và lộ trình do Bộ Công Thương công bố, đồng thời thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đối với thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam

Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thuộc các nước, vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước có thỏa thuận song phương với Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Với bản chất là một quyền đương nhiên của doanh nghiệp nên khi thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh. Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần kê khai đăng ký thông tin đăng ký thuế là “có hoạt động xuất nhập khẩu”.

Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu

Cũng như quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp (được kinh doanh những gì pháp luật không cấm) thì quyền tự do xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp cũng có giới hạn là xuất khẩu, nhập khẩu những gì pháp luật không cấm hoặc không đang bị tạm ngừng.

Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu gồm 21 nhóm hàng hóa (07 nhóm cấm xuất khẩu và 14 nhóm cấm nhập khẩu: Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trang thiết bị kỹ thuật quân sự; các sản phẩm mật mã sử dụng để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước; Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Pháo các loại (trừ pháo hiệu an toàn hàng hải theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải), đèn trời, các loại thiết bị gây nhiễu máy đo tốc độ phương tiện giao thông; … (Chi tiết xem tại Phụ lục I Nghị định 69/2018/NĐ-CP).

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện

Quyền tự do xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp còn bị giới hạn trong một số trường hợp khi doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện (Phụ lục III Nghị định 69/2018/NĐ-CP). Khi đó, Doanh nghiệp muốn thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải đáp ứng các yêu cầu về giấy phép, điều kiện theo quy định của pháp luật.

Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:

Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *