Cùng với các loại hình tác phẩm như tác phẩm viết, tác phẩm kiến trúc, tác phẩm âm nhạc,… thì tác phẩm phái sinh hiện nay cũng phát triển hết sức mạnh mẽ. Trên thực tế, quyền tác giả thường phát sinh nhiều vấn đề có liên quan đến tác phẩm gốc và phái sinh. Vậy tác phẩm phái sinh là gì và nó có được bảo hộ không? Hãy cùng tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây của Công ty.
MỤC LỤC
Tác phẩm phái sinh là gì? Ví dụ về tác phẩm phái sinh
Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm tuyển chọn, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải (Khoản 4 Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019))
Như vậy, đây là tác phẩm được sáng tạo ra trên cơ sở tác phẩm đã có (tác phẩm gốc), bằng việc thay đổi nội dung, hình thức thể hiện hoặc cả hai.
Ví dụ tác phẩm Truyền Kiều của Nguyễn Du đã được dịch ra 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới với trên 35 bản dịch. Trong đó, có bản dịch của Huỳnh Sanh Thông (giáo sư tại Đại học Yale, Mỹ) được sử dụng làm bài giảng cho sinh viên Mỹ học. Nguyễn Du sở hữu Quyền tác giả của tác phẩm Truyện Kiều, nhưng Huỳnh Sanh Thông cũng sở hữu Quyền tác giả của tác phẩm phái sinh của Truyện Kiều bản dịch tiếng Anh.
Đặc điểm của tác phẩm phái sinh trong Luật Sở hữu trí tuệ
(i) được hình thành dựa trên tác phẩm đã tồn tại nhưng vẫn còn dấu ấn của tác phẩm gốc. Tác phẩm đó phải đảm bảo được tính nguyên gốc dựa trên sự sáng tạo. Pháp luật không bảo hộ cho nội dung của tác phẩm, do vậy sự liên tưởng đến tác phẩm gốc không làm mất đi tính nguyên gốc của tác phẩm đó.
(ii) là sáng tạo nguyên gốc, có sáng tạo nhất định về nội dung, hình thức và ngôn ngữ…mà không có sự sao chép của người khác.
(iii) quyền tác giả là quyền tự động phát sinh ngay sau khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
(iv) Về hình thức thể hiện, pháp luật quyền tác giả không bảo hộ nội dung ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng.
Mối quan hệ của tác phẩm phái sinh với tác phẩm gốc
(i) Tác phẩm này chỉ được hình thành trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm gốc đã tồn tại. Quyền cho làm tác phẩm này thuộc nhóm quyền tài sản đối với tác phẩm, nhưng việc sử dụng tác phẩm gốc vẫn phải đảm bảo tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm gốc.
(ii) Hình thức thể hiện của tác phẩm này phải khác biệt hoàn toàn hoặc từng phần so với tác phẩm gốc bởi nó không phải là bản sao của tác phẩm gốc. Sự sáng tạo trong tác phẩm đó là việc chọn lọc từ ngữ, tình tiết……, do đó nó là sáng tạo nguyên gốc hoặc sáng tạo 1 phần nội dung, hình thức. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp hình thức thể hiện của tác phẩm này phải khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt từng phần với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc.
(iii) Dấu ấn của tác phẩm gốc phải được thể hiện trong tác phẩm này, nghĩa là khi nhận biết tác phẩm đó thì công chúng phải liên tưởng đến tác phẩm gốc, sự liên tưởng này được thể hiện qua nội dung của tác phẩm gốc.
Tác phẩm phái sinh có được bảo hộ quyền tác giả không?
Tác phẩm này mặc dù được tạo ra trên cơ sở tác phẩm đã có nhưng nó vẫn có yếu tố sáng tạo đủ để được bảo hộ như một tác phẩm độc lập theo Khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019). Tuy nhiên, tác phẩm đó phải đáp ứng điều kiện là không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc mới được bảo hộ quyền tác giả.
Ai có quyền được làm tác phẩm phái sinh?
Theo Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019) thì chỉ những ai được sự đồng ý, cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm mới có quyền được làm tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên có một trường hợp ngoại lệ là những người chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì đều có quyền được làm ngay mà không phải xin phép tác giả.
Quy định pháp luật về quyền bảo hộ tác phẩm phái sinh mới nhất
Điều kiện bảo hộ tác phẩm phái sinh
(i) Không được gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm.
Theo Khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019), để tác phẩm được bảo hộ thì phải đáp ứng điều kiện là không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
(ii) Phải được tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả cho phép.
Theo Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019), chỉ trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị thì không phải xin phép hay được sự đồng ý của tác giả. Đối với các trường hợp còn lại thì đều phải có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
(ii) Phải mang dấu ấn riêng của tác giả.
Là một tác phẩm sáng tạo từ tác phẩm gốc nên để được bảo hộ một cách độc lập, tác phẩm đó phải thể hiện được sự sáng tạo, mới mẻ và mang dấu ấn riêng của tác giả. Điều này thể hiện qua việc phát triển về nội dung hay thay đổi hình thức thể hiện, ngôn ngữ… của tác phẩm. Tuy nhiên, tác phẩm đó phải đảm bảo không xâm phạm tới quyền tác giả tạo ra tác phẩm gốc và không trái với thuần phong mỹ tục. Nhờ đó, tác phẩm mới có thể đem tới những giá trị tinh thần mới mẻ và được công chúng đón nhận.
Quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh
(i) Quyền nhân thân quy định tại Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019) bao gồm: quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
(ii) Quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019) bao gồm: làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép, phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Một số câu hỏi thường gặp về tác phẩm phái sinh
Làm tác phẩm phái sinh có cần xin phép tác giả không?
Theo khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), làm tác phẩm này phải xin phép và được sự đồng ý của tác giả. Tuy nhiên, trong trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị thì không cần xin phép tác giả.
Có được đặt tên cho tác phẩm phái sinh không?
Đặt tên cho tác phẩm là một trong những quyền nhân thân của tác giả quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019). Theo đó, tác giả có quyền được đặt tên cho tác phẩm. Tuy nhiên theo Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, đối với trường hợp tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác sẽ không được quyền đặt tên.
LƯU Ý
- Bài viết trong lĩnh vực trên được chuyên gia của công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Tại thời điểm viết bài tác giả có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy.
- Trường hợp quý độc giả cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Công ty TNHH Luật Hải Việt.
- Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả
- Quy định về bồi thường đất đai mới nhất
- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
- Quyền tự do xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được quy định như thế nào?
- Thời gian giải quyết ly hôn theo luật định