Tên của công ty cổ phần do các cổ đông sáng lập quyết định và được ghi nhận trong bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, vì những nguyên do khác nhau mà tên cho doanh nghiệp được thay đổi. Luật Hải Việt hướng dẫn thủ tục thay đổi tên công ty cổ phần như sau.
MỤC LỤC
Một số lưu ý khi đặt tên cho công ty cổ phần
a/ Tên của công ty cổ phần phải bao gồm 02 thành tố theo thứ tự gồm:
- Loại hình doanh nghiệp: được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP”
- Tên riêng: được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
(Khoản 1 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020)
b/ Có thể đặt tên cho công ty cổ phần bằng tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh
Cụ thể, tên doanh nghiệp tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của công ty cổ phần được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Như vậy, chủ sở hữu công ty cổ phần cần đặc biệt lưu ý những hệ thống ngôn ngữ khác không phải hệ chữ La-tinh sẽ không được chấp nhận để đặt tên cho doanh nghiệp (ví dụ hệ chữ viết mang tính tượng hình tượng thanh như Kana của Nhật, chữ Hán, chữ Ả Rập… sẽ không được chấp nhận).
(Khoản 1, 2 Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020)
c/ Tên viết tắt của doanh nghiệp phải được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài
(Khoản 3 Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020)
d/ Không vi phạm các điều cấm sau đây khi đặt tên doanh nghiệp:
- Đặt tên trùng với tên của doanh nghiệp đã đăng ký, cụ thể: Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
- Đặt tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký (Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020)
Thủ tục thay đổi tên của công ty cổ phần
Công ty cổ phần gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong đó thể hiện việc thay đổi tên công ty cổ phần theo mẫu quy định tại Phụ lục II-1 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT.
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc đổi tên doanh nghiệp.
Quy trình thực hiện
Bước 1. Nộp hồ sơ đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp
Hình thức nộp: Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Lưu ý: Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc phải nộp hồ sơ trên cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Xử lý hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không đầy đủ, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian xử lý: 03 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:
Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ với Công ty TNHH Luật Hải Việt qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com