Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng

Trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình quyền đồng thời là nghĩa vụ của các chủ thể nên khi đề cập đến quyền nhân thân giữa vợ và chồng thể hiện mối quan hệ tình cảm cũng chính là quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. 

Đặc điểm của quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ và chồng

Thứ nhất, thông thường, quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ, chồng phát sinh do sự kiện kết hôn, trừ trường hợp những trường hợp hai bên nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987 mà không có giấy đăng ký kết hôn. Như vậy, khi có sự kiện nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn thì đương nhiên xuất hiện các quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa họ.

Thứ hai, quyền và nghĩa vụ nhân thân gắn liền với mỗi bên vợ chồng và không thể chuyển giao. Có nghĩa là nó có tính độc lập, cá biệt hoá cá nhân này với cá nhân khác, không thể trộn lẫn. Các quyền, nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng không thể là đối tượng chuyển dịch cho bất kì ai, không thể do người khác thực hiện thay mà chỉ phụ thuộc giữa vợ và chồng. Nó chấm dứt khi quan hệ hôn nhân không còn tồn tại nữa.

Thứ ba, quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ, chồng được quy định tương ứng giữa hai bên. Tức là, quyền của người này chính là nghĩa vụ của người kia. Chúng tồn tại song hành lẫn nhau, tạo ra mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa hai bên chủ thể trong suốt thời kì hôn nhân này.

Ảnh minh họa

Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng

Căn cứ Điều 18 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 việc bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng được quy định như sau:  

“Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.”

Quyền nhân thân của cá nhân theo quy định của pháp luật khá đa dạng nên hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân cũng khá đa dạng dưới những hình thức, mức độ khác nhau. Để bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có hiệu quả ngoài việc sử dụng nhiều phương thức bảo vệ khác nhau còn phải áp dụng các biện pháp bảo vệ khác nhau như biện pháp xử lý hành chính, biện pháp xử lý hình sự, biện pháp dân sự, biện pháp xử lý kỷ luật. Trong các biện pháp bảo vệ nhân thân đó thì biện pháp dân sự là một trong các biện pháp bảo vệ quyền nhân thân có hiệu quả và được áp dụng phổ biến nhất. Theo Điều 25 Bộ luật dân sự thì cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm có thể bảo vệ quyền nhân thân  của mình theo các phương thức khác nhau như tự mình bảo vệ, yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ hoặc buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.

Trong mối quan hệ giữa vợ chồng, để bảo vệ quyền nhân thân mà vẫn đảm bảo được hạnh phúc gia đình, cần thực hiện các biện pháp sau:

Thứ nhất, tự mình cải chính, đây là biện pháp được áp dụng trong trường hợp vợ hoặc chồng có hành vi trái pháp luật hoặc đưa ra những tin tức không đúng xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của chồng hoặc vợ, nhằm hạn chế được hậu quả thiệt hại cả về vật chất và tinh thần do những tin tức không đúng gây ra.

Thứ hai, nâng cao nhận thức cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt chú ý đến thức tổ chức gia đình, nuôi dạy con, nâng cao kiến thức về pháp luật, chính sách, kiến thức về bình đẳng giới, khuyến khích sự quan tâm của các thành viên trong gia đình.

Thứ ba, đề cao vai trò của người phụ nữ, loại bỏ tư tưởng: “Trọng nam khinh nữ” để tránh sự bất bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng về mọi mặt trong gia đình.

Lưu ý Công ty TNHH Luật Hải Việt

Trên đây là bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua: Hotline: 0943.812.889; E-mail: luathaiviet@gmail.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *