Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật?

Hủy việc kết hôn trái pháp luật là việc Tòa án tuyên bố việc kết hôn là trái pháp luật và quyết định những người kết hôn phải chấm dứt quan hệ hôn nhân.  Và các vấn đề pháp lý khác liên quan. Vậy ai là người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Hải Việt. 

Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.

Chỉ coi là kết hôn trái pháp luật khi mang hai dấu hiệu cần và đủ. Đó là vi phạm một trong các quy định tại Điều 8 và các điểm a,b,c và d khoản 2 Điều 5 và có đăng ký kết hôn. Dấu hiệu có đăng ký kết hôn là để phân biệt với trường hợp hai bên nam nữ chung sống như vợ chồng dù có tuân thủ các điều kiện kết hôn hay không thì cũng không coi là kết hôn trái pháp luật.

Hủy việc kết hôn trái pháp luật là việc Tòa án theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tác động tới việc kết hôn trái pháp luật làm cho quan hệ đó không còn tồn tại hoặc không có giá trị pháp lý nữa.

Đây là sự thể hiện thái độ không thừa nhận của Nhà nước đối với việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng nhưng không tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân. Là biện pháp chế tài nên các bên phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi từ hành vi vi phạm pháp luật đó, giữa các bên không phát sinh và tồn tại quan hệ vợ chồng.

Hủy kết hôn trái pháp luật  (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật bao gồm:

“1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.”

Như vậy, chủ thể có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật rất rộng, gồm có ba nhóm: Người bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn; Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ.

Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:

Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *