DOANH NGHIỆP KHAI KHỐNG VỐN ĐIỀU LỆ CÓ THỂ BỊ PHẠT TỚI 100 TRIỆU ĐỒNG

Vốn điều lệ là gì?

        Theo Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
       Thành viên, cổ đông của công ty có thể góp vốn bằng tài sản bao gồm: tiền, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng…; ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty.
       Chủ sở hữu, thành viên, cổ đông có 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để góp đủ phần vốn góp đã cam kết góp trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Như vậy, ở mỗi doanh nghiệp với các mô hình khác nhau; thì việc đầu tư vốn điều lệ là khác nhau cũng như trách nhiệm pháp lý liên quan đến vốn điều lệ cũng không giống nhau. Sẽ có hai loại trách nhiệm đối với vốn điều lệ hiện nay: Trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn.

Khai khống vốn điều lệ là hành vi bị cấm

       Theo quy định tại Khoản 5 Điều 16 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về các hành vi bị cấm: “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.      

 Mức xử phạt khi khai khống vốn điều lệ

Theo Điều 47 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, cụ thể:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh do không kê khai đúng số vốn điều lệ theo quy định.

Trước đây, theo khoản 3 Điều 28 Nghị định số 50/2016 NĐ-CP ngày 01/6/2016 thì chỉ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng kí thay đổi với cơ quan đăng kí kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng kí. Nhưng từ ngày 01/01/2022, hành vi khai khống vốn điều lệ có thể bị phạt tới 100 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả với vi phạm về kê khai vốn điều lệ bắt buộc phải đăng kí vốn điều lệ bằng số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm.

         Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ với Công ty TNHH Luật Hải Việt qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *