Video reaction là một loại video thể hiện quan điểm của người làm nội dung với một nội dung nhất định, nội dung này có thể là một bộ phim, một bản nhạc, một tác phẩm nghệ thuật,… Bài viết sau, Chúng tôi sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu nội dung Làm video reaction trên youtube có vi phạm quyền tác giả không ?
Quyền tác giả là gì
Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Quyền tác giả còn được gọi là “Bản quyền”, “Tác quyền”.
Căn cứ Khoản 2, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2022 (LSHTT):
“2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”
Như vậy, quyền tác giả là bản quyền của một tác giả cho tác phẩm của người này. Quyền tác giả được dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa: ví dụ như các bài viết về khoa học hay văn học, sáng tác nhạc, ghi âm, tranh vẽ, hình chụp, phim,…. Quyền này bảo vệ các quyền lợi cá nhân và lợi ích kinh tế của tác giả trong mối liên quan với tác phẩm này.
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Căn cứ Điều 18, LSHTT, quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
a. Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
- Đặt tên cho tác phẩm;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
b. Quyền tài sản
Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
- Sao chép tác phẩm;
- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Làm video reaction trên youtube có vi phạm quyền tác giả không ?
Video reaction là một đoạn video quay lại phản ứng, bình luận của của một người nào đó đối với người, sự vật, sự việc khác như trong video ca nhạc hay một đoạn trailer phim ngắn hoặc một hiện tượng hay dịch vụ nào đó trong cuộc sống…Trong đoạn reaction người xem có thể thấy phản ứng, bình luận của chủ kênh về chủ đề mà họ đang đề cập đến. Nó sẽ bao gồm những ý kiến khách quan và chủ quan, dưới mọi góc nhìn, bộc lộ sự yêu thích hay ghét bỏ thông qua ngôn ngữ, cử chỉ và cảm xúc người đó thể hiện.
Ranh giới giữa việc sao chép nội dung và “mượn” nội dung để làm video reaction hoặc minh họa cho sản phẩm của mình là khá mong manh. Với các tiêu chí rất khắt khe về bản quyền, bạn chỉ cần sử dụng trái phép một đoạn nhạc trong vài giây là sẽ nhận cảnh cáo từ YouTube.
Sau đây là những trường hợp bạn có thể sao chép nội dung video của người khác mà không bị vi phạm bản quyền:
- Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân;
- Tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy, trừ trường hợp ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy.
Hầu hết các phân xử về bản quyền sẽ được xử lý theo quy định pháp luật tại nước đó. Vì vậy, căn cứ Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005, khi sử dụng video, các hành vi sau được xem là vi phạm bản quyền:
- Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc video dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả;
- Sao chép video mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
- Làm video phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với video được dùng để làm video phái sinh;
- Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt video đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;
- Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao video mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Như vậy, để tránh các trường hợp bạn bị đánh bản quyền từ YouTube cũng như vi phạm pháp luật, bạn nên xin phép tác giả, trả tiền hoặc chia lợi nhuận với tác giả chủ quyền. Hiện nay trên YouTube đã có các mức xử phạt đối với người vi phạm, nặng nhất bạn rất có thể sẽ chia tay với kênh YouTube của mình vĩnh viễn.