Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có nhiều lợi thế so với loại hình doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định sẽ bộc lộ ra những điểm hạn chế nhất định trong khả năng huy động vốn, chính vì vậy việc ra đời của loại hình công ty đại chúng trên cơ sở là công ty cổ phần đã giải quyết tốt vấn đề này. Bài viết so sánh công ty cổ phần và công ty đại chúng sau đây sẽ giúp bạn đọc thấy được những điểm khác nhau giữa hai loại hình doanh nghiệp này.
MỤC LỤC
1. Công ty cổ phần là gì? Công ty đại chúng là gì?
Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
(Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020)
Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
- Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;
- Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Chứng khoán 2019.
(Khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019)
Dựa vào hai khái niệm nêu trên, có thể thấy công ty cổ phần là tiền thân của công ty đại chúng. Công ty đại chúng chính là “phiên bản nâng cấp” của công ty cổ phần.
2. So sánh đặc điểm pháp lý
a/ Vốn điều lệ
- Công ty cổ phần: Điều lệ đơn giản và không bắt buộc phải có các quy chế nội bộ như công ty đại chúng.
- Công ty đại chúng: Điều lệ và các quy chế nội bộ của công ty đại chúng phức tạp hơn so với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần thông thường.
b/ Chi phí duy trì công ty
- Công ty cổ phần: Chi phí quản lý công ty cổ phần thông thường ít hơn so với công ty đại chúng
- Công ty đại chúng: Chi phí quản lý công ty đại chúng nhiều hơn công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng vì có cơ cấu tổ chức, quản lý phức tạp hơn và thường có nhiều cổ đông hơn. Ngoài ra, chi phí để đáp ứng yêu cầu về lập báo cáo tài chính và công bố thông tin cũng tương đối đáng kể.
c/ Cơ quan quản lý doanh nghiệp
- Công ty cổ phần: Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ là cơ quan tiếp nhận quản lý, thực hiện các thủ tục đăng ký, sáp nhập, chia tách, giải thể… của các công ty cổ phần thông thường.
- Công ty đại chúng: Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ là các cơ quan thực hiện việc quản lý hoạt động và thực hiện thực hiện các thủ tục đăng ký, sáp nhập, chia tách, giải thể… của các công ty cổ phần thông thường phù hợp với chứng năng và nhiệm vụ của từng cơ quan.
d/ Số lượng cổ đông
- Công ty cổ phần: Tối thiểu phải có ít nhất 3 cổ đông trở lên. Không giới hạn số lượng tối đa.
- Công ty đại chúng: Thông thường có trên 100 cổ đông. Không có giới hạn tối đa về số cổ đông.
e/ Nghĩa vụ công bố thông tin
- Công ty cổ phần: Chủ yếu chỉ có nghĩa vụ nộp một số báo áo định kỳ về hoạt động cho cơ quan cấp phép là Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế, cơ quan lao động và cơ quan thống kê.
- Công ty đại chúng: có nghĩa vụ công bố thông tin cho các cơ quan quản lý nêu trên và công khai cho cả công chúng, sở giao dịch chứng khoán nơi công ty đại chúng niêm yết.
3. So sánh ưu và nhược điểm
3.1 Công ty cổ phần
a/ Ưu điểm:
- Trách nhiệm của công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn. Các cổ đông chỉ cần chịu trách nhiệm về khoản nợ cùng tài sản của công ty được quy định rõ trong phạm vi góp vốn. Do đó khả năng rủi ro với các cổ đông không quá cao.
- Công ty cổ phần có quy mô hoạt động rộng lớn trong bất kể ngành nghề hợp pháp nào. Bên cạnh đó thì khả năng mở rộng quy mô kinh doanh của công ty cũng dễ dàng hơn nhờ huy động vốn từ cổ phần.
- Các nhà đầu tư có thể điều chuyển vốn từ nơi này sang nơi khác từ lĩnh vực kinh doanh này sang lĩnh vực kinh doanh khác nhờ hình thức mua bán hay chuyển nhượng cổ phần.
- Nhờ tính độc lập giữ bộ phận quản lý và sở hữu nên việc hoạt động của công ty diễn ra hiệu quả hơn nhiều.
b/ Nhược điểm:
- Loại hình công ty cổ phần thường phải chịu mức thuế cao hơn so với các công ty khác. Bên cạnh việc công ty phải chịu mức thuế theo quy định nhà nước, các cổ đông cũng phải chịu thêm thuế thu nhập cá nhân.
- Chi phí ban đầu của việc thành lập doanh nghiệp sẽ khá tốn kém.
- Theo cơ cấu thì các hoạt động kinh doanh, phương án kinh doanh công ty cần công khai với đại hội đồng cổ đông vậy nên khả năng giữ bí mật kinh doanh không cao.
- Đại hội đồng cổ đông là bộ phận giữ quyền hạn cao nhất do đó mọi quyết định của công ty cần thông qua đại hội đồng cổ đông. Vậy nên các khả năng thay đổi phạm vi trong lĩnh vực kinh doanh không cao.
3.2 Công ty đại chúng
a/ Ưu điểm:
- Công ty đã khẳng định được danh tiếng, uy tín qua đó khi cần huy động vốn ngoài xã hội, công ty dễ dàng có thể tiếp tục phát hành cổ phiếu, trái phiếu với chi phí phát hành thấp hơn các lần phát hành trước.
- Do sở hữu tính đại chúng, nên công tu được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của xã hội thông qua việc công khai các thông tin về hoạt động kinh doanh, các hoạt động cho sự phát triển công ty. Từ ưu điểm này, cổ đông đặt ra vấn đề nghĩa vụ minh bạch về thông tin và bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty đại chúng.
b/ Nhược điểm:
- Khi phát hành cổ phiểu, công ty sẽ phải chịu các chi phí đợt phát hành: chi phí thuê đơn vị kiểm toán độc lập để lập báo cáo kiểm toán hoạt động của công ty, chi phí thuê người bảo lãnh phát hành: chi phí chuẩn bị hồ sơ, giấy phép để xin phép hành, chi phí quảng cáo cho đợt phát hành…
- Tính chất đại chúng đôi khi cũng là một điểm bất lợi của loại hình công ty này, do quá nhiều cổ đông cũng như số lượng cổ đông thường xuyên thay đổi dẫn đến tình trạng khó quản lý cổ đông, mất tính ổn định trong quản lý công ty khi có sự thay đổi các cổ đông lớn.
Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:
Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ với Công ty TNHH Luật Hải Việt qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com