Thành lập doanh nghiệp xã hội như thế nào là vấn đề được nhiều người quan tâm khi muốn đầu tư kinh doanh vì mục tiêu xã hội, cộng đồng. Nắm bắt được nhu cầu khách hàng, Luật Hải Việt sẽ hướng dẫn các bạn hồ sơ, thủ tục chi tiết để thành lập một doanh nghiệp xã hội.
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội
Doanh nghiệp xã hội không phải là một loại hình doanh nghiệp riêng biệt nên việc thành lập doanh nghiệp xã hội phải tuân thủ các quy định về thành lập doanh nghiệp nói chung.
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội thực hiện theo quy định tại Nghị định này tương ứng với từng loại hình doanh ng“hiệp. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù là hoạt động vì mục tiêu xã hội, môi trường, cộng đồng nên kèm theo hồ sơ phải có “Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường” do những người sau đây ký:
- Đối với doanh nghiệp tư nhân: chủ doanh nghiệp tư nhân;
- Đối với công ty hợp danh: các thành viên hợp danh;
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: các thành viên là cá nhân; người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với thành viên là tổ chức;
- Đối với công ty cổ phần: cổ đông sáng lập là cá nhân, cổ đông khác là cá nhân, nếu cổ đông này đồng ý với nội dung cam kết trên và mong muốn ký vào bản cam kết này cùng với cổ đông sáng lập; người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông sáng lập là tổ chức, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông khác là tổ chức, nếu cổ đông này đồng ý với nội dung cam kết trên và mong muốn ký vào bản cam kết này cùng với cổ đông sáng lập.
Trình tự đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội
Bước 1: Nộp hồ sơ
- Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn) bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh.
(Lưu ý: Đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hồ sơ bắt buộc phải nộp qua mạng)
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết
– Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp:
- Người đại diện theo pháp luật/người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và thanh toán lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh.
- Khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận. Trường hợp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản.
– Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng điện tử
- Người đại diện theo pháp luật/người được ủy quyền kê khai thông tin, tải văn bản điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
- Nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin sang cơ quan thuế để tự động tạo mã số doanh nghiệp. Sau khi nhận được mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp.
Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Nhận kết quả
Thời hạn giải quyết
03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Lệ phí giải quyết
- 50.000 đồng/lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Miễn lệ phí đối với hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử.
Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:
Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com
Pingback: Lập công ty quản lý nghệ sĩ - Công ty TNHH Luật Hải Việt