Ngành nghề kinh doanh của công ty cổ phần là những ngành, nghề công ty đã đăng ký khi thành lập doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, nhằm đáp ứng cho nhu cầu hoạt động công ty cổ phần có thể bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh theo quy định pháp luât. Cụ thể quy trình, thủ tục Luật Hải Việt hướng dẫn như sau.
MỤC LỤC
1. Quy định pháp luật về ngành nghề kinh doanh
- Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm.
- Doanh nghiệp phải đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Và phải duy trì điều kiện đó trong suốt quá trình kinh doanh.
- Các hành vi bị nghiêm cấm: Kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động.
- Đặc biệt, theo quy định thì tất cả doanh nghiệp khi đăng ký thành lập mới hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh phải đăng ký theo mã ngành cấp 4 (là ngành có mã 4 số) thuộc hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
2. Thủ tục thay đổi ngành nghề kinh doanh của công ty cổ phần
Trường hợp thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo mẫu phục lục II-1 trong đó thể hiện việc thay đổi ngành nghề kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh;
- Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục nếu người đại diện pháp của của công ty không trực tiếp thực hiện.
3. Trình tự thực hiện
Bước 1. Nộp hồ sơ đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh
Hình thức nộp: Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bước 2: Xử lý hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư, cập nhật thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không đầy đủ, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian xử lý: 03 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:
Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ với Công ty TNHH Luật Hải Việt qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com