Quyền tự do kinh doanh của Doanh nghiệp được pháp luật quy định ra sao?

quyền tự do kinh doanh

Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang không ngừng hội nhập. Việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong nước cũng như thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Vậy quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được pháp luật quy định như thế nào? Cùng Luật Hải Việt  tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

quyền tự do kinh doanh

Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Quyền tự do kinh doanh lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 57 Hiến pháp 1992, theo đó “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. So với các bản Hiến pháp trước đó, quyền tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đã được khuyến khích hơn nhưng xét về nội hàm của điều luật, việc quy định “kinh doanh theo quy định của pháp luật” là rất hạn chế. Bởi lẽ trên thực tế, quy định pháp luật ra đời chậm hơn so với sự vận động đi lên của xã hội. Do đó, việc chỉ được kinh doanh những gì mà pháp luật cho phép sẽ hạn chế sự phát triển của xã hội, của nền kinh tế.

Kế thừa tinh thần của Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 đã xây dựng một quy định mở hơn, tiến bộ hơn về tự do kinh doanh. Bản Hiến pháp này khẳng định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” – Điều 33. Có thể thấy, giới hạn của tự do kinh doanh lúc này không dừng lại ở những gì Nhà nước cho phép mà đã mở rộng ra cả những gì chưa cho phép nhưng cũng không bị cấm.

Cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp 2013

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp có quyền“Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm”. Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện ở chỗ họ (1) tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; (2) chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; (3) chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh theo nhu cầu và (4) tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.

Ngành, nghề kinh doanh nào bị cấm theo quy định pháp luật Việt Nam?

Như đã đề cập, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Hiện nay, có 08 ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020, cụ thể như sau:

“Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Như vậy, những ngành nghề được liệt kê theo quy định tại khoản 1 Điều 6 trên chính là những ngành, nghề hiện nay đang bị cấm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Doanh nghiệp cần chú ý khi lựa chọn ngành, nghề kinh doanh sao cho phù hợp, tránh vi phạm pháp luật.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Xử phạt hành chính

Đối với hành vi kinh doanh dịch vụ mà pháp luật cấm, tùy theo mức độ, tính chất của hành vi mà cơ quan có thẩm quyền quyết định mức xử phạt phù hợp. Khoản 1 Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.”

Trên đây là mức phạt đối với người vi phạm là cá nhân. Đối với doanh nghiệp mức xử phạt sẽ gấp đôi, tức doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi.

Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:

Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *