Các hình thức chào bán cổ phần theo quy định hiện hành

Chào bán cổ phần là gì? Các hình thức chào bán cổ phần được pháp luật quy định như thế nào? Để hiểu hơn về vấn đề này, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của Luật Hải Việt.

1. Khái niệm chào bán cổ phần

Khoản 1 Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 đưa ra khái niệm về chào bán cổ phần như sau:

Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ.

2. Các hình thức chào bán cổ phần

Khoản 2 Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định có 03 hình thức chào bán cổ phần, cụ thể như sau:

  • Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
  • Chào bán cổ phần riêng lẻ;
  • Chào bán cổ phần ra công chúng.

Việc chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty đại chúng và tổ chức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán (chào bán chứng khoán). Trong 02 nội dung phân tích tiếp theo dưới đây, Luật Hải Việt sẽ chỉ đề cập đến trường hợp chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng.

Xem thêm: “Thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng”

(Các hình thức chào bán cổ phần)

3. Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu

Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty.

Thủ tục thực hiện:

  • Công ty phải thông báo bằng văn bản đến cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần. Nội dung thông báo phải bao gồm các thông tin quy định tại điểm b khoản 2 Điều 124 Luật Doanh nghiệp 2020. Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành.
  • Trường hợp phiếu đăng ký mua cổ phần không được gửi về công ty đúng hạn theo thông báo thì cổ đông đó coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua. Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác.
  • Trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại cho cổ đông của công ty và người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác hoặc pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
  • Sau khi cổ phần được thanh toán đầy đủ, công ty phát hành và giao cổ phiếu cho người mua; trường hợp không giao cổ phiếu, các thông tin về cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi vào sổ đăng ký cổ đông để chứng thực quyền sở hữu cổ phần của cổ đông đó trong công ty.

4. Chào bán cổ phần riêng lẻ

a/ Điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ:  (Khoản 1 Điều 125 Luật Doanh nghiệp 2020)

  • Không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
  • Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

b/ Thủ tục thực hiện:

  • Công ty quyết định phương án chào bán cổ phần riêng lẻ theo quy định;
  • Cổ đông của công ty thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần theo quy định, trừ trường hợp sáp nhập, hợp nhất công ty;
  • Trường hợp cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua không mua hết thì số cổ phần còn lại được bán cho người khác theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ với điều kiện không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác.

Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:

Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ  qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *