Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hiện hành, chỉ có công ty cổ phần được quyền phát hành cổ phiếu. Vậy cổ phiếu là gì? Có những loại cổ phiếu nào? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của Luật Hải Việt để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
MỤC LỤC
1. Cổ phiếu là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 cũng có quy định, cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Cổ phiếu được phát hành như một hình thức huy động vốn từ công chúng.
2. Các nội dung được ghi nhận trên cổ phiếu
Cổ phiếu với bản chất là một chứng chỉ, do đó, chắc chắn các thông tin về người được cấp chứng chỉ (người sở hữu), thông tin chủ thể cấp chứng chỉ (doanh nghiệp phát hành), loại cổ phiếu, số lượng,… là điều không thể thiếu.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020, Cổ phiếu phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- Số lượng cổ phần và loại cổ phần;
- Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
- Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;
- Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;
- Nội dung khác theo quy định tại các điều 116, 117 và 118 của Luật này đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.
3. Mệnh giá cổ phiếu
Khoản 2 Điều 13 Luật Chứng khoán 2019 quy định mệnh giá cổ phiếu như sau:
“2. Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng là 10 nghìn đồng.”
Như vậy, mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng. Đây là mức giá được các sàn giao dịch chứng khoán sử dụng làm căn cứ để quy định giá mức giá tối thiểu mà nhà đầu tư phải bỏ ra khi tham giao dịch cổ phiếu.
4. Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng
Căn cứ theo định tại Điều 5 Luật chứng khoán 2019, điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần bao gồm:
- Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
- Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
- Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
- Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;
- Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
Ngoài ra:
- Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
- Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
- Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:
Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com