Hiện nay, vấn nạn “sổ đỏ” giả khiến không ít người chịu tổn thất kinh tế to lớn. Vậy, làm cách nào để không trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này? Hãy để Luật Hải Việt chia sẻ các phương pháp phân biệt “sổ đỏ” thật và “sổ đỏ” nhé.
MỤC LỤC
1. Tự kiểm tra, đánh giá nội dung và hình thức của “sổ đỏ”:
Nội dung và hình thức của “sổ đỏ” hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định cụ thể trong Thông tư 23/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 05 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với người có nhu cầu phân biệt được “sổ đỏ” thật và “sổ đỏ” giả, có thể căn cứ vảo quy định trong Thông tư 23/2014/TT-BTNMT để xác định tính minh bạch của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ví dụ: Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, . Nội dung và hình thức cụ thể của Giấy chứng nhận phải đúng theo Mẫu ban hành kèm theo Thông tư 23/2014/TT-BTNMT.
Bên cạnh đó, có thể căn cứ vào mã vạch để xác định xem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể hiện đúng theo quy định tại Điều 15 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 như sau không:
Mã vạch được in tại cuối trang 4 khi cấp Giấy chứng nhận.
Mã vạch được dùng để quản lý, tra cứu thông tin về Giấy chứng nhận và hồ sơ cấp Giấy chứng nhận; nội dung mã vạch thể hiện dãy số nguyên dương, có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST, trong đó:
MX là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất, được thể hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam; trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho khu đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính cấp xã thì ghi theo mã của xã có phần diện tích lớn nhất; trường hợp cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì mã đơn vị hành chính cấp xã (MX) được thay thế bằng mã của đơn vị hành chính cấp huyện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam.
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định vào trước mã của xã, phường, thị trấn nơi có đất hoặc trước mã của đơn vị hành chính cấp huyện nơi có đất đối với cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã.
Danh mục mã số các đơn vị hành chính Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004.
MN là mã của năm cấp Giấy chứng nhận, gồm hai chữ số sau cùng của năm ký cấp Giấy chứng nhận;
ST là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường hợp một hồ sơ đăng ký mà ghi vào một Giấy chứng nhận không hết, phải ghi vào nhiều Giấy chứng nhận để cấp thì các Giấy chứng nhận này được ghi chung một số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai đó.
Như vậy, dựa vào các phương pháp nêu trên, mỗi cá nhân, tổ chức có nhu cầu phân biệt được “sổ đỏ” thật và “sổ đỏ” giả, có thể tự mình xác định tính minh bạch của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên cần xác định rõ rằng đây là phương pháp
2. Xác minh tính minh bạch và chính xác của “sổ đỏ” tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
Thủ tục xác minh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 15 của Thông tư 34/2014/TT-BTNMT) như sau:
Bước 1: Nộp phiếu yêu cầu:
Tổ chức, cá nhân nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC được ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT bằng một trong các phương thức sau:
Nộp trực tiếp tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;
Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện;
Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.
Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai.
Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.
Bước 2: Tiếp nhận, xử lý yêu cầu và thực hiện nghĩa vụ tài chính:
Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính (trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính) cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.
Tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thông báo của Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai.
Bước 3: Nhận kết quả:
Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.
Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định sau:
Trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo;
Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức tổng hợp thông tin thì thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và người có yêu cầu bằng hình thức hợp đồng. Mẫu hợp đồng cung cấp, khai thác dữ liệu đất đai theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT.
3. Người thực hiện hành vi làm “sổ đỏ” giả bị xử lý như thế nào?
Đối với hành vi làm giả sổ đỏ, tại khoản 3 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định cụ thể như sau:
“Điều 35. Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất
… 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Người vi phạm còn bị “Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng…” (theo khoản 4 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-C) và sẽ “Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện…” với “sổ đỏ” giả (theo điểm b khoản 5 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP).
Ngoài ra, đối với hành vi làm giả “sổ đỏ” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng và phạt tù cao nhất lên đến 7 năm.
Nếu người thực hiện hành vi làm “sổ đỏ” giả như một thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì có thể bị phạt cải tạo lên đến 3 năm, phạt tù cao nhất là 20 năm, tù chung thân; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:
Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com
Xem thêm: