Cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần là ai? Điều kiện trở thành cổ đông sáng lập gồm những tiêu chí nào? Mời cá bạn theo dõi bài viết dưới đây của Luật Hải Việt để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.
MỤC LỤC
1. Cổ đông sáng lập là ai?
Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập trừ trường hợp được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác.
Khoản 4 Điều 4 Luật này đưa ra khái niệm về cổ đông sáng lập như sau:
“4. Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.”
Theo đó, cổ đông sáng lập có thể là tổ chức hoặc cá nhân sở hữu tối thiểu 01 cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập gửi cơ quan đăng ký kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp (nếu cổ đông sáng lập là tổ chức thì người đại diện của tổ chức đó sẽ ký tên trong danh sách).
2. Điều kiện trở thành cổ đông sáng lập của công ty cổ phần
Cổ đông sáng lập là người “khai sinh” ra công ty cổ phần. Xét điều kiện để trở thành cổ đông sáng lập có thể phân tích ở 02 khía cạnh: Điều kiện của cá nhân, tổ chức và Điều kiện về sở hữu cổ phần.
– Đối với điều điều kiện của cá nhân
Cổ đông sáng lập của công ty cổ phần là người thành lập và quản lý công ty cổ phần. Khoản 1 Điều 17 Luật Doanh nghiệp quy định Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Như vậy, những đối tượng thuộc khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp sẽ không thể là người thành lập và quản lý doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc họ sẽ không thể là cổ đông sáng lập của công ty cổ phần.
– Đối với điều kiện về sở hữu cổ phần
Khoản 2 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“2. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.”
Tổng hợp lại nội dung đã phân tích trên, điều kiện để trở thành cổ đông sáng lập bao gồm:
- Sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông;
- Ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần;
- Không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020;
- Cùng với các cổ đông sáng lập khác phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.
3. Cổ đông sáng lập có thể sở hữu những loại cổ phần nào?
Loại cổ phần đầu tiên mà cổ đông sáng lập sở hữu và chắc chắn phải sở hữu đó là cổ phần phổ thông. Đối với loại cổ phần này, rong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông (Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020). Tuy nhiên, nếu cổ phần phổ thông này là cổ phần có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì cổ đông sáng lập không bị hạn chế quyền chuyển nhượng (Khoản 4 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020).
Bên cạnh cổ phần phổ thông, cổ đông sáng lập có thể sở hữu các loại cổ phần ưu đãi. Cụ thể, Khoản 3 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“3. Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.”
Như vậy, cổ đông sáng lập có thể vừa sở hữu cổ phần phổ thông, vừa sở hữu cổ phần ưu đãi nếu Điều lệ hoặc Đại hội đồng cổ đông cho phép.
Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:
Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ với Công ty TNHH Luật Hải Việt qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com