Điều kiện trở thành Kiểm soát viên Công ty cổ phần

Kiểm soát viên trong Công ty cổ phần là thành viên của Ban kiểm soát Công ty. Để có thể đảm bảo thực hiện chức năng của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên cần đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định. Cùng Luật Hải Việt tìm hiểu về điều kiện trở thành Kiểm soát viên Công ty cổ phần trong bài viết dưới đây.

1. Kiểm soát viên trong Công ty cổ phần có trách nhiệm gì?

Trách nhiệm của Kiểm soát viên trong Công ty cổ phần được quy định tại Điều 173 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:

  • Tuân thủ đúng pháp luật, Điều lệ công ty, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
  • Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty.
  • Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
  • Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
  • Trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này mà gây thiệt hại cho công ty hoặc người khác thì Kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó. Thu nhập và lợi ích khác mà Kiểm soát viên có được do vi phạm phải hoàn trả cho công ty.
  • Trường hợp phát hiện có Kiểm soát viên vi phạm trong thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao thì phải thông báo bằng văn bản đến Ban kiểm soát; yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả.
(Tiêu chuẩn, điều kiện trở thành Kiểm soát viên Công ty cổ phần)

2. Tiêu chuẩn và điều kiện trở thành Kiểm soát viên

Căn cứ quy định tại Điều 169 Luật Doanh nghiệp 2020, Kiểm soát viên phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau:

  • Không thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;
  • Được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
  • Không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
  • Tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.

Ngoài ra, Kiểm soát viên công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ và tại công ty.

3. Miễn nhiệm, bãi nhiệm Kiểm soát viên

a/ Miễn nhiệm Kiểm soát viên

Kiểm soát viên miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

  • Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm Kiểm soát viên;
  • Có đơn từ chức và được chấp thuận;
  • Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

b/ Bãi nhiệm Kiểm soát viên

Kiểm soát viên bị bãi nhiệm trong các trường hợp sau đây:

  • Không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được phân công;
  • Không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;
  • Vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của Kiểm soát viên theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty;
  • Trường hợp khác theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.

c/ Thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm

Ban kiểm soát là cơ quan do Đại hội đồng cổ đông thành lập. Do đó, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban kiểm soát sẽ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Khuyến nghị của Công ty TNHH Luật Hải Việt:

Bài viết được chuyên gia của Công ty TNHH Luật Hải Việt thực hiện nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Quý vị bạn đọc có thắc mắc, cần tư vấn vui lòng liên hệ với Công ty TNHH Luật Hải Việt qua hotline: 0943.812.889, E-mail: luathaiviet@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *